Để sớm có thể phát hiện những bộ phận bị hư hỏng và giúp đảm bảo xe có thể vận hành ổn định, chủ xe phải nắm rõ các mốc bảo dưỡng cho xe hơi định kỳ theo số km hoặc thời gian sử dụng tùy thuộc vào từng hãng xe hoặc dòng xe quy định.
Hiện nay, xe ô tô là một người bạn đồng hành không thể thiếu của nhiều gia đình. Để chiếc xe có thể vận hành trơn tru, đảm bảo an toàn cũng như tiết kiệm được nhiều loại chi phí, chủ xe phải chú ý các mốc bảo dưỡng cho xe ô tô định kỳ.
Bảo dưỡng cho xe ô tô lần đầu (1000km đầu tiên)
Thông thường, cột mốc đầu tiên và là cột mốc quan trọng nhất là kiểm tra và bảo dưỡng sau 1.000km đầu tiên để có thể khắc phục kịp thời những lỗi phát sinh không mong muốn do sản xuất hoặc trong quá trình vận hành của xe. Song song với đó, người dùng cũng cần lưu ý bảo dưỡng cho xe ô tô định kỳ hàng tháng và nắm rõ một số cột mốc quan trọng đối với từng bộ phận, thiết bị khác nhau.
Bảo dưỡng bộ phận xe ô tô hàng tháng
Những bộ phận quan trọng của xe nên được kiểm tra, bảo dưỡng hàng tháng là hệ thống đèn ô tô, áp suất lốp và chất lỏng rửa kính xe hơi.
Kiểm tra về hệ thống đèn ô tô
Hệ thống đèn ô tô là một hệ thống an toàn chủ động, bao gồm: đèn pha, đèn hậu, đèn phanh, và các loại đèn tín hiệu. Những bộ phận này phải được kiểm tra độ sáng, độ chiếu xa thường xuyên để giúp đảm bảo an toàn trong quá trình tham gia giao thông của chủ xe.
Nếu gặp phải một số dấu hiệu hư hỏng ở trên hệ thống đèn xe ô tô như hỏng rơle, máy phát điện, cháy cầu chì, công tắc đèn,.. thì cần phải tháo ra để kiểm tra hoặc là thay mới. Người dùng nên thận trọng trong quá trình tháo lắp và kiểm tra lại hoạt động của bóng đèn khi sửa chữa hoàn thành, bởi nếu thay thế bóng đèn ô tô không đúng quy trình có thể gây ra hiện tượng chập mạch, các bộ phận hoạt động không được chính xác…
Kiểm tra áp suất lốp xe ô tô
Lốp xe là bộ phận có tiếp xúc trực tiếp với mặt đường, hoạt động lâu ngày và liên tục sẽ dẫn đến lốp xe bị hao mòn. Vì vậy hãy thường xuyên kiểm tra áp suất lốp xe bằng các dụng cụ kim quay số, đồng hồ đo dạng bút , đồng hồ kỹ thuật số được ép đều vào thân van. Nếu áp suất lốp ô tô không đủ tiêu chuẩn sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ lốp, khả năng vận hành xe, mức tiêu thụ nhiên liệu và quan trọng là an toàn của người lái xe.
Kiểm tra lại chất lỏng rửa kính
Nước rửa kính xe hơi là một trong những chất lỏng thiết yếu của xe ô tô, kết hợp với cần gạt có thể làm sạch các vết ố bẩn ở trên kính xe, giúp đảm bảo tầm nhìn rõ ràng và an toàn cho lái xe.
Ngoài ra, nước rửa kính còn giúp hạn chế sự ma sát giữa cần gạt và bề mặt kính xe hơi, bảo vệ và chống bị xước kính hiệu quả. Do đó, người dùng hãy kiểm tra và thay nước rửa kính thường xuyên để giúp tăng tuổi thọ cho kính trước ô tô và giúp giảm các hiện tượng khúc xạ ánh sáng, khúc xạ kính mờ.
Bảo dưỡng động cơ xe hơi từ 3.000 đến 5.000 km/lần
Mỗi hãng xe ô tô sẽ có định mức bảo dưỡng cho động cơ xe khác nhau, trong khoảng 3.000 đến 5.000 km hoặc sau 3 đến 6 tháng vận hành. Những xe mới mua nên được bảo trì sớm hơn, sau 3.000 đến 4.000 km hoặc 3 đến 4 tháng sử dụng. Như vậy, động cơ của xe sẽ được chăm sóc tốt nhất trong thời gian đầu tiên.
Thay dầu máy
Việc thay dầu máy cho động cơ không chỉ loại bỏ các tạp chất mà còn giúp động cơ và chi tiết trong xe được vận hành trơn tru, giảm sự hao mòn do việc ma sát giữa các chi tiết. Tùy thuộc vào từng dòng xe, chủ xe hãy sử dụng các loại dầu máy động cơ phù hợp theo sự khuyến cáo của nhà sản xuất.
Vệ sinh cho lọc gió động cơ
Vệ sinh lọc gió động cơ giúp động cơ không bị giảm công suất và giúp tiết kiệm nhiên liệu, các cảm biến lưu lượng khí nạp cũng sẽ hoạt động chính xác để cung cấp đầy đủ nhiên liệu cho hoạt động đốt cháy nhiên liệu. Theo khuyến cáo của các nhà sản xuất, cần vệ sinh cho lọc gió động cơ mỗi 5.000 km/ lần và thay mới hoàn toàn sau 20.000 km. Nếu xe hay di chuyển tại khu vực môi trường bị bụi bẩn, ô nhiễm, cần theo dõi và vệ sinh cho lọc gió sớm hơn, để đảm bảo ô tô luôn được vận hành ở trạng thái tốt nhất.
Kiểm tra bộ phận lọc gió điều hòa của xe
Tuy là một bộ phận nhỏ của xe nhưng lọc gió điều hòa lại có công dụng quan trọng. Hãy kiểm tra và vệ sinh thường xuyên để loại bỏ các lớp bụi bám ở lọc gió giúp cho không khí điều hòa trong xe luôn trong lành và có thể phát hiện kịp thời nếu có hư hỏng. Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, nên kiểm tra và vệ sinh cho bộ lọc gió điều hòa mỗi 5.000 km/ 1 lần. Ngoài ra hãy kiểm tra cả các bộ phận khác: dàn lạnh, dàn nóng, phin lọc gió hồi.
Bảo dưỡng hệ thống lọc dầu của xe sau 5.000 đến10.000 km/lần
Thay lọc dầu
Hệ thống lọc dầu được xem như “lá phổi” của xe ô tô, nó có tác dụng lọc dầu ô tô khỏi tạp chất, cặn bẩn, giúp bôi trơn động cơ làm giảm thiểu các hao mòn và hỏng hóc. Trong động cơ có rất nhiều các rãnh kim loại nhỏ có thể xảy ra các tình trạng bị nứt, bị bào mòn nếu không được bôi trơn liên tục.
Chính vì vậy, chủ xe lưu ý việc kiểm tra vệ sinh lọc dầu hàng tháng. Nếu thấy các dấu hiệu hỏng hóc cần thay mới ngay đảm bảo khả năng vận hành của động cơ.
Kiểm tra vòi phun
Kim phun nhiên liệu đóng vai trò làm cầu nối giúp cung cấp nhiên liệu cho động cơ hoạt động. Để quá trình này diễn ra trơn tru, kim phun phải luôn thông suốt, không bị tắc nghẽn. Vì vậy, thường xuyên kiểm tra và làm sạch kim phun sẽ giúp động cơ hoạt động ổn định .
Theo khuyến cáo của các nhà sản xuất, hãy vệ sinh kim phun sau mỗi 15.000 đến 20.000 km vận hành. Tuy nhiên nếu xe hoạt động nhiều trong môi trường ô nhiễm thì hãy vệ sinh kim phun sớm hơn.
Xoay và cân bằng lốp
Cân bằng động giúp tạo độ cân bằng cho bánh xe, đảm bảo việc vô lăng không bị rung lắc trong di chuyển, gây ảnh hưởng tới cảm giác lái.
Theo khuyến cáo, thì sau 6 tháng hoặc 10.000 km, chủ xe hãy thực hiện cân bằng lốp xe giúp tránh tình trạng mòn lốp không đều.
Ngoài ra, nên đảo lốp thường xuyên để giúp các lốp xe mòn đều. Chủ xe nên thực hiện đảo lốp xe sau khoảng 8000 đến 10.000 km hoặc 6 tháng/lần.
Bảo dưỡng và vệ sinh hệ thống làm mát cho xe 3 năm/lần
Hệ thống làm mát đảm nhận việc ổn định nhiệt độ ở mức động cơ được hoạt động bình thường. Hệ thống làm mát được chia làm hai loại: hệ thống làm mát bằng nước và hệ thống làm mát bằng không khí.
Sau 2 đến 3 năm, hệ thống làm mát sẽ thải ra chất độc hại gây mòn các ống dẫn xả. Ngoài ra có thể xuất hiện các vấn đề khác như: rò nước, phát ra tiếng kêu hay nhiệt độ nước làm mát hiển thị quá cao. Người dùng cần phải xác định chính xác vị trí bị hư hỏng để có phương hướng thay thế hoặc sửa chữa.
Việc vệ sinh hệ thống làm mát có thể được thực hiện tại nhà nhưng sẽ tốn thời gian và có thể gây ra những hỏng hóc khi vệ sinh không đúng. Vì vậy, khi đến hạn bảo dưỡng, chủ xe nên đem xe đến các trung tâm sửa chữa và bảo dưỡng uy tín, bên cạnh đó hãy thay nước làm mát sau 80.000 đến 100.000km.
Kiểm tra và thay thế lọc gió động cơ từ 15.000 đến 30.000km/lần
Có vai trò như một lá chắn, lọc gió động cơ giúp lọc gió trong cabin, loại bỏ các bụi bẩn, khí độc từ ngoài vào bên trong xe. Sau thời gian dài sử dụng, lọc gió động cơ sẽ bị bám bẩn, gây tắc nghẽn, ảnh hưởng đến hoạt động của động cơ xe và sức khỏe của những người trên xe.
Vì vậy, cần phải kiểm tra và thay lọc gió động cơ định kỳ sau 15.000 đến 30.000 km để động cơ có thể vận hành êm ái và tiết kiệm nhiên liệu, đồng thời cũng giúp hệ thống điều hòa hoạt động tốt.
Các bộ phận phải bảo dưỡng ở mốc 40.000 đến 100.000 km/lần
Thay dầu cho hộp số tự động
Đối với hộp số tự động thì việc bảo dưỡng, thay dầu hộp số không hề đơn giản. Người dùng nên đem xe đến các trung tâm sửa chữa uy tín mỗi khi tới mốc bảo dưỡng xe ô tô định kỳ từ 70.000 đến 80.000km để thay dầu trong điều kiện chạy xe bình thường. Trong điều kiện khắc nghiệt, chủ xe hãy thay dầu sớm hơn (sau khoảng 50.000 đến 70.000km).
Kiểm tra dây curoa truyền động của xe
Hiện tượng chai, nứt rất hay gặp ở dây curoa. Vì vậy, cần phải chú ý nhỏ dầu bôi trơn để giúp hệ thống truyền động không bị khô rít và hãy thường xuyên kiểm tra dây curoa có bị nứt, vỡ không để có thể sửa chữa kịp thời. Chủ xe nên thay mới dây curoa truyền động sau khi xe ô tô vận hành được 70.000 đến 100.000 km.
Hệ thống trợ lực điện lái
Hệ thống trợ lực điện lái giúp làm giảm tác động của lực tay lên trên vô lăng và giảm thời gian vô lăng phản hồi khi tài xế đang đánh lái. Cần được bảo dưỡng định kỳ sau mỗi 50.000 km và phải vệ sinh hoặc thay nước (nếu cần) để giúp gia tăng tuổi thọ của hệ thống này và độ an toàn cho xe.
Kiểm tra bugi
Bugi giúp phát sinh tia lửa điện giữa hai điện cực giúp đốt cháy hỗn hợp không khí – xăng từ chế hòa khí đã được nạp trong buồng đốt. Nhà sản xuất khuyến cáo cần thay thế bugi trong khoảng 60.000 đến 100.000 km tùy thuộc vào từng dòng xe cũng như tình trạng hoạt động của xe.
Thay dầu phanh 2 năm/lần
Phanh là thiết bị cơ học có chức năng giúp hạn chế chuyển động của bánh xe bằng cách tạo ma sát. Theo đó, hệ thống phanh hoạt động sẽ giúp chủ xe kiểm soát được việc giảm tốc độ hoặc dừng xe theo chủ ý của mình. Khoảng 2 năm/lần, nên thay dầu phanh để giúp đảm bảo phanh xe hoạt động hiệu quả.
Trước khi thay dầu, hệ thống phanh phải được vệ sinh thật sạch, chú ý chọn loại dầu phanh phù hợp với từng dòng xe và kiểm tra chất lượng dầu xe trước khi sử dụng. Ngoài ra, cần chuẩn bị các dụng cụ như bộ hút chân không, chai bôi trơn bulong, ốc, cờ lê chuyên dùng để mở hệ thống phanh, khăn lau,…
Chủ xe nên ghi nhớ các mốc bảo dưỡng cho xe hơi định kỳ và hãy lựa chọn những trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng uy tín để giúp xe luôn được vận hành tốt và đảm bảo sự an toàn cho chính bản thân khi tham gia giao thông.